Nghiên cứu được đăng tải trên bioRxiv ngày 22/7. Đây là trang web dành riêng cho những công trình chưa được bình duyệt.
Để tiến hành phân tích, các chuyên gia tạo ra loại virus tổng hợp, đột biến, mang gen của nCoV, sau đó để chúng tiếp xúc với các kháng thể chống lại mầm bệnh. Kết quả cho thấy tỷ lệ nhỏ protein gai bao quanh virus đã thành công lẩn tránh hệ miễn dịch. Số khác thậm chí nhân lên mạnh hơn bên trong tế bào. Nói cách khác, nhóm nhà khoa học đã kích thích đột biến, khiến vài phần của nCoV trở nên "vô hình" trước kháng thể chống lại mầm bệnh.
Điều này cho thấy virus có những cơ chế nhất định để "né" được hệ miễn dịch.
Các nhà khoa học cho biết cộng đồng không nên quá hoang mang về điều này. Đột biến của protein gai không được gắn vào nCoV thật. Virus trên thực tế cũng có tốc độ thay đổi chậm hơn nhiều so với môi trường phòng thí nghiệm. Song nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển song song nhiều loại vaccine và thuốc có thể tấn công virus theo những cách khác nhau.
"Đây là câu chuyện cũ trong lĩnh vực virus học. Nếu bạn chỉ nhắm vào một mục tiêu, mầm bệnh có thể tìm cách thoát khỏi nó. Lý do tại sao chúng lây lan rất nhanh", tiến sĩ Sallie Permar, chuyên gia virus, bác sĩ nhi khoa Đại học Duke, nhận định.
Nhiều loại vaccine và thuốc điều trị Covid-19 nhắm vào protein gai - vũ khí mạnh nhất của virus. Không có cấu trúc gai, mầm bệnh không thể xâm nhập cơ thể người. Các liệu pháp dựa trên protein có thể ngăn chặn nhiễm trùng. Đây cũng là chiến lược được nhiều công ty công nghệ sinh học áp dụng.
Tuy nhiên virus cũng có cơ chế chung. Khi chúng tự nhân lên, vật liệu di truyền sẽ tạo ra vài thay đổi. Dù hầu hết không đáng kể, nhưng đôi khi nCoV đã đột biến có thể ngụy trang khỏi hệ miễn dịch. Kháng thể không nhận ra phiên bản mới, virus thành công xâm nhập tế bào.
Phát hiện này gợi ra một hướng đi khác cho các nhà phát triển.
Họ có thể trộn các kháng thể đơn dòng với nhau, trong đó mỗi kháng thể tấn công từng loại protein gai của virus, tạo ra liệu pháp mọi mặt. Khi đó, dù nCoV có thay đổi để trốn tránh hệ miễn dịch, các kháng thể vẫn nắm bắt và đặc trị được từng đột biến.
Kịch bản trên diễn ra khi nhóm nghiên cứu lặp lại thí nghiệm, lần này để virus tiếp xúc hai kháng thể đơn dòng, thay vì một loại. Kết quả, nCoV không thể chống đỡ cùng lúc nhiều sự tấn công.
Hiện các chuyên gia trộn lẫn nhiều loại kháng thể để thử nghiệm lâm sàng. Nếu quá trình diễn ra suôn sẻ, đây có thể là liệu pháp giúp ngăn ngừa và điều trị Covid-19.
Nghiên cứu đặc biệt có ý nghĩa khi cả thế giới vẫn đang chờ đợi một loại vaccine an toàn và hiệu quả, theo tiến sĩ Akiko Iwasaki, chuyên gia miễn dịch Đại học Yale. Với hỗn hợp kháng thể, các nhà khoa học có thể tạo ra loại vaccine ngăn ngừa nCoV một cách toàn diện.
Tuy nhiên, còn cần thực hiện thêm các thử nghiệm lâm sàng để chứng minh tính khả thi của phương pháp. Hiện chưa rõ miễn dịch đối với Covid-19 có thể duy trì sự bảo vệ trong bao lâu. Phát triển hỗn hợp gồm toàn kháng thể đơn dòng cũng là một "canh bạc" về vấn đề an toàn.
Thục Linh (Theo NY Times)