Tầng 6 Toà nhà HYCO4, 102 Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP.HCM, Việt Nam
Hotline 0919 173 986

Dệt may: Ngoại phình to, nội teo tóp

14/03/2019
Nhu cầu tại nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may Việt Nam suy giảm và đồng USD tăng giá mạnh khiến tăng trưởng không như kỳ vọng
 
Kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước từ đầu năm 2015 đến nay chỉ đạt khoảng 12 tỉ USD, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua (cùng kỳ năm ngoái tăng 19%). Đáng lưu ý, tỉ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) Việt ngày càng lép vế trước khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
 
Nhà máy ngoại liên tục mọc lên
 
Theo Vitas, từ đầu năm đến nay, số lượng nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào ngành dệt may không ngừng tăng nhằm đón đầu các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam được nhận định sẽ hưởng lợi do thuế suất giảm dần về 0%: Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); FTA Việt Nam với EU, Hàn Quốc; Liên minh kinh tế Á - Âu...
 
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong nửa đầu năm 2015, phần lớn các dự án FDI có vốn lớn đều đổ vào dệt may. Đơn cử, nhà máy sản xuất và gia công các loại sợi của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai có tổng vốn 660 triệu USD; dự án của Công ty TNHH Worldon Việt Nam có tổng vốn 300 triệu USD, xây nhà máy sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp tại TP HCM; dự án nhà máy sợi, vải màu Lu Thai Việt Nam có vốn hơn 160 triệu USD tại Tây Ninh. Cuối tháng 6, tỉnh Bình Dương cũng đã cấp phép dự án Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam có vốn đầu tư 274 triệu USD để xây nhà máy sản xuất xơ, sợi tổng hợp, dệt kim...
 
Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch đạt 24 tỉ USD trong năm 2014 và mục tiêu năm 2015 là 27-27,5 tỉ USD. Có điều, tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của DN trong nước ngày càng teo tóp, còn DN FDI không ngừng phình to. Theo thống kê của Vitas, trong số 12 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay, khối DN trong nước chỉ chiếm 27,5%, còn công lớn thuộc về khối FDI.
 
Đơn hàng nhỏ lẻ, giá không tăng
 
Ngay từ đầu năm, ngành dệt may đã gặp khó khi lượng đơn hàng không như kỳ vọng, các thị trường truyền thống từ EU, Nhật... đều giảm. Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Vitas, cho biết đến quý III, dù vẫn có nhưng không nhiều đơn hàng “hấp dẫn”, chủ yếu nhỏ lẻ nên DN không có sự lựa chọn. Dù thị trường Mỹ hồi phục tốt nhưng không thể bù đắp nhu cầu suy giảm từ EU, Nhật.
 
“Vấn đề này rất đáng lo bởi sức cạnh tranh của DN trong nước kém, đơn giá xuất khẩu không tăng nhưng hàng loạt chi phí đầu vào lại tăng. Khối FDI không ngừng đổ vốn vào Việt Nam để chờ hưởng lợi từ TPP, cạnh tranh trực tiếp với DN trong nước không chỉ về nguồn nhân lực...” - ông Hồng lo lắng.
 
Theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Garmex Sài Gòn, ngoài yếu tố do kinh tế của Nhật, EU suy thoái, việc đồng USD tăng giá mạnh đã tác động lớn đến hàng hóa của Việt Nam xuất qua các thị trường này. Hiện đơn giá xuất khẩu dệt may qua Nhật, EU đều tính bằng USD nhưng gần đây USD tăng giá rất mạnh buộc các nước phải phá giá đồng tiền. “Vô hình trung, hàng dệt may Việt Nam xuất qua EU, Nhật khi đến tay người tiêu dùng giá bị đội lên nên họ hạn chế mua sắm” - ông Hùng dẫn chứng.
 
“Tình hình khó khăn với ngành dệt may còn kéo dài qua năm sau và phụ thuộc vào yếu tố Hy Lạp (liên quan trực tiếp tới thị trường EU). Ngay từ giữa năm ngoái, Garmex đã họp bàn và dự báo các thị trường EU, Nhật có thể gặp khó khăn, đồng thời tìm cách đẩy mạnh hàng sang thị trường Mỹ khi kinh tế nước này có dấu hiệu phục hồi” - vị lãnh đạo Garmex nói thêm.
 
Chính sách điều chỉnh tỉ giá theo hướng thả nổi, phá giá mạnh của Nhật, EU những tháng qua còn khiến giá nguyên liệu, máy móc khi DN Việt nhập về tăng cao. Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), lấy ví dụ: Tập đoàn vừa đặt mua máy của Nhật, nếu năm rồi tỉ giá chỉ 103-104 yen/USD thì mới đây giá lên tới 123 yen/USD hoặc đầu năm nay ký hợp đồng giá 110 yen/USD nay lên 122 yen/USD, nghĩa là Nhật phá giá tới 20%. “Giá đắt hơn 20% làm hàng hóa đến các thị trường này tăng cao nên việc bảo đảm mục tiêu xuất khẩu sang các nước này sẽ rất khó khăn” - ông Trường nói.
 
Cần giải pháp hỗ trợ cụ thể
 
Theo lãnh đạo Vinatex, dù không có TPP thì ngành dệt may vẫn phải đi theo hướng tăng cường năng lực cạnh tranh, tăng cường sự chủ động. Bản thân Vinatex những năm qua đã tập trung đầu tư vào nguyên liệu, như 6 tháng đầu năm xuất khẩu tăng 10,7% nhưng nhập khẩu nguyên liệu chỉ tăng 2,6% nhờ chủ động hoàn toàn từ sợi, vải dệt kim...
 
Trong khi đó, nhiều DN cho biết chính sách hỗ trợ của nhà nước về đầu tư xây vùng nguyên phụ liệu cho dệt may đã có nhưng họ không thể tận dụng được ưu đãi. Ông Phạm Xuân Hồng kiến nghị nhà nước cần có giải pháp cụ thể về chính sách, như mục tiêu xây trung tâm nguyên phụ liệu cụ thể ra sao? “Phải ưu tiên về lãi suất, thuế, đất đai... để DN trong nước mạnh dạn đầu tư vùng nguyên phụ liệu, giải bài toán “yêu cầu quy tắc xuất xứ từ sợi trong TPP”, khi đó mới tận dụng được lợi thế thuế giảm. Hiện 60%-70% nguyên phụ liệu vẫn nhập từ Trung Quốc, trong khi hiệu lực từ các FTA đang đến rất gần” - ông lo ngại.
 
Nguồn trích dẫn: www.stockbiz.vn
Đăng ký nhận bản tin

Công ty TNHH TM KT
Âu Châu (EUTC)

  • Tầng 6 Toà nhà HYCO4, 102 Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP.HCM, Việt Nam
  • info@eutc.com.vn
  • (0084) 28 3514 6818 ZALO: 0908.572.749 ZALO: 0919.173.986
  • Copyright © 2024 EUTC | Designed by TDT