Tầng 6 Toà nhà HYCO4, 102 Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP.HCM, Việt Nam
Hotline 0919 173 986

Xử lý rác thải sinh hoạt: Cần đẩy nhanh công nghệ điện rác

28/07/2020

Công nghệ đốt chất thải để tạo ra điện ngày càng được áp dụng rộng rãi do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác, như giảm được 90-95% thể tích và khối lượng chất thải; có thể tận dụng nhiệt; giảm phát thải khí nhà kính so với biện pháp chôn lấp; giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi...

 

Xử lý rác sinh hoạt ở đô thị là vấn đề nóng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Theo Bộ Công Thương, trên cả nước bình quân mỗi ngày có khoảng 35.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn được thải ra; trong đó khối lượng rác tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 7.000-8.000 tấn.

Hiện nay, trên 70% lượng rác thải tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, trong đó 80% là bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây hại cho môi trường. Chỉ có 13% rác được đốt cháy để thu hồi năng lượng. Chôn lấp rác là công nghệ lạc hậu, tốn đất và gây ra nhiều tác hại, tạo ra nguy cơ cháy; ô nhiễm nước ngầm; phát tán khí metal; gây bệnh cho người lao động và người sống xung quanh; thu hút các loài động vật (chó, chim, động vật gặm nhấm, côn trùng)...

Việc chôn lấp rác ngoài tác động xấu đến môi trường thì còn phải đối mặt với sự phản đối của người dân ở gần khu xử lý rác, chi phí cho việc thu gom, vận chuyển ngày một tăng trong khi tài nguyên rác bị lãng phí.

Chính vì vậy, công nghệ đốt chất thải để tạo ra điện ngày càng được áp dụng rộng rãi do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác, như giảm được 90-95% thể tích và khối lượng chất thải; có thể tận dụng nhiệt; giảm phát thải khí nhà kính so với biện pháp chôn lấp; giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi...

Công nghệ điện rác dùng đểsản xuất khí nhiên liệu để đốt trong các động cơ đốt trong và chạy máy phát điện. Trước tiên, rác được phân loại trên dây chuyền, tách chất thải chung thành chất thải phi nhiên liệu (đất đá, chai lọ, sắt thép) và chất thải nhiên liệu (chất thải cháy được). Sau đó, chất thải nhiên liệu được phân loại thành chất thải khó phân hủy (nilon, cành cây, gỗ, giấy...) và chất thải dễ phân hủy (thực phẩm, rau...). Chất thải khó phân hủy được tạo thành viên nhiên liệu và đốt trong các lò khí hóa để sinh ra nhiên liệu khí dưới dạng khí đốt tổng hợp (syngas). Chất thải dễ phân hủy được đưa vào hầm ủ sinh khối để sản xuất ra khí đốt dưới dạng khí sinh học (biogas). Hiệu suất chuyển đổi năng lượng của các công nghệ dạng này thường đạt được dưới 20%, và vẫn mang tính thử nghiệm và chưa được thương mại hóa ổn định với công suất lớn.

Công nghệ điện rác không cần phân loại rác thải. Rác thải khi đưa về nhà máy chỉ cần được loại bỏ các chất thải phi nhiên liệu cỡ lớn dễ tách biệt, sau đó tập trung trong bể chứa rác kín. Trong quá trình ủ từ 12-15 ngày, các chất hữu cơ trong rác tiếp tục bị phân hủy, hình thành nước rỉ rác, sau đó nước được tách ra tại đáy bể theo một quy trình riêng biệt bao gồm các quá trình xử lý yếm khí, hiếu khí, lắng, lọc. Nhiệt thừa trong quá trình đốt tiêu hủy rác sẽ được tận dụng để đun nóng nước, qua đó sinh hơi và chuyển sang tua bin để sản xuất ra điện năng như các nhà máy nhiệt điện khác. Với công nghệ này diện tích nhà máy xử lý không quá lớn, hiệu suất chuyển đổi năng lượng cao hơn so với công nghệ trên, tuy nhiên cũng chỉ dao động ở mức từ 25-30%, đặc biệt là chi phí đầu tư lớn, hệ thống xử lý môi trường cũng tốn kém, tính khả thi cao hay thấp tùy thuộc vào thành phần rác thải.

Hiện nay, tại Hà Nam, Cần Thơ, Quảng Bình, một số nhà máy điện rác đã đi vào hoạt động. Một số dự án đang được triển khai gồm cơ sở ở Vĩnh Tân (Đồng Nai) với công suất 600 tấn/ngày, công suất phát điện 30MW; cơ sở ở Sóc Sơn (Hà Nội) với công suất 4.000 tấn/ngày, công suất phát điện 75MW; cơ sở ở Phù Ninh (Phú Thọ) với công suất 500 tấn/ngày; hai cơ sở tại Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh với công suất mỗi nhà máy là 1.000 tấn/ngày...

Nhiều dự án điện rác ở Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, do công nghệ đòi hỏi khoản kinh phí quá lớn (thiết bị chiếm 70-80% tổng vốn đầu tư) và khó thích ứng với thực tế ở nước ta là rác không được phân loại ngay từ đầu nguồn. Các dự án đã được hoàn thành thì hiệu quả kinh tế đều không cao. Các dự án này là chi phí vận hành lớn, cần bảo trì thường xuyên và tuổi thọ thiết bị ngắn hơn so với các dự án nhiệt điện đốt than.

Nếu không đẩy nhanh tỷ trọng công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng trong việc xử lý rác thải rắn sinh hoạt, mà chỉ trông chờ vào kiểu chôn lấp truyền thống thì tình trạng “ứ rác” như tại Hà Nội trong trung tuần tháng 7 vừa qua vẫn có nguy cơ "đến hẹn lại lên" dù không ai “ra ngó vào trông”.

Nguồn: https://congnghiepmoitruong.vn/

Đăng ký nhận bản tin

Công ty TNHH TM KT
Âu Châu (EUTC)

  • Tầng 6 Toà nhà HYCO4, 102 Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP.HCM, Việt Nam
  • info@eutc.com.vn
  • (0084) 28 3514 6818 ZALO: 0908.572.749 ZALO: 0919.173.986
  • Copyright © 2024 EUTC | Designed by TDT