Tầng 6 Toà nhà HYCO4, 102 Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP.HCM, Việt Nam
Hotline 0919 173 986

Trung Quốc chế tạo máy đào hầm lớn nhất thế giới

04/11/2024

Cỗ máy đài hầm đường kính 16,64 m sẽ xây dựng đường hầm bên dưới sông Trường Giang ở tỉnh Giang Tô.

Cỗ máy đào hầm xuất xưởng ở Trường Sa. Ảnh: Global Times

Cỗ máy đào hầm xuất xưởng ở Trường Sa. Ảnh: Global Times

Trung Quốc đã hoàn thành sản xuất máy đào hầm (TBM) lớn nhất thế giới có đường kính 16,64 m. Cỗ máy có tên Giang Hải, nặng 5.000 tấn và dài 145 m. Đây cũng là máy đào hầm lớn nhất được thiết kế ở Trung Quốc. Cỗ máy được sản xuất ở tỉnh Hồ Nam, thông qua hợp tác giữa Tập đoàn công nghiệp nặng xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCHI) và China Railway 14th Bureau Group, Interesting Engineering hôm 1/11 đưa tin.

Mẫu TBM có đường kính đầu cắt tương đương một tòa nhà 5 - 6 tầng. Chủ tịch của CRCHI là Zhao Hui cho biết mốc phát triển này đánh dấu thành tựu quan trọng trong công nghiệp hóa công nghệ máy đào hầm đường kính lớn trên 16 m ở Trung Quốc. Thiết kế của cỗ máy tập trung vào hoạt động ở các đới đứt gãy, có thể chịu dòng nước bùn tràn vào đột ngột. Đầu cắt hình nhẫn của nó cho phép đào đất trong điều kiện cực hạn, trong khi chế độ vận hành kép giúp khoan và nổ đồng thời, cải thiện tốc độ và hiệu suất.

 

Đầu cắt rỗng giúp định hướng dễ dàng hơn trong điều kiện địa chất phức tạp. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Thanh Hoa mở rộng ứng dụng của cỗ máy trong thủy lợi, dự án thủy điện, khai thác mỏ và cơ sở hạ tầng. Theo kết quả thử nghiệm, hiệu suất của đầu cắt rỗng có thể tăng 30% sau khi xử lý nứt ở lớp đá siêu cứng.

TBM mới sẽ được sử dụng để xây đường hầm ngang qua sông Trường Giang ở tỉnh Giang Tô, nối Nam Thông và Tô Châu. Đường hầm này nằm trong dự án đường cao tốc 39 km dự kiến hoàn thành năm 2028. Trải dài khoảng 11,2 km bên dưới sông Trường Giang, đường hầm sẽ đạt độ sâu 75 m.

Theo You Shaoqiang, kỹ sư trưởng của dự án ở China Railway 14th Bureau Group (CR14G), đường hầm đối mặt nhiều thách thức do nguồn nước dưới lòng đất, đất mềm và bùn sình khiến phương pháp đào hầm thông thường trở nên bất khả thi. Mẫu TBM tiên tiến sẽ di chuyển ở tốc độ 12 - 16 m/ngày, quá trình đào hầm sẽ kéo dài khoảng 2,5 năm. Do đường hầm nằm gần cửa sông Trường Giang, độ chính xác phải nằm trong khoảng 1 cm để đảm bảo an toàn cho các đập trên sông.

Trước đó, năm 2022, CRCHI và CR14G đồng sản xuất TBM đường kính 16,07 m cho một dự án cải tạo ở Bắc Kinh. Theo kỹ sư cao cấp Fan Ruiqiang, họ mất hơn hai năm để phát triển TBM mới lớn hơn. Cỗ máy cũng thông minh hơn với cơ sở dữ liệu ghi nhận những vấn đề đào hầm trong quá khứ, cho phép nó cung cấp gợi ý cho người điều khiển khi thách thức tương tự phát sinh.

An Khang (Theo Interesting Engineering)

Đăng ký nhận bản tin

Công ty TNHH TM KT
Âu Châu (EUTC)

  • Tầng 6 Toà nhà HYCO4, 102 Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP.HCM, Việt Nam
  • info@eutc.com.vn
  • (0084) 28 3514 6818 ZALO: 0908.572.749 ZALO: 0919.173.986
  • Copyright © 2025 EUTC | Designed by TDT