Nhóm nghiên cứu tại Đại học RMIT Australia hợp tác với tập đoàn Microtec Engineering để phát triển FiberX - "sợi vô hình" có thể bổ sung tới 20% chất xơ lành mạnh cho thực phẩm mà không làm thay đổi màu sắc, kết cấu hoặc mùi vị đến mức nhận biết được, New Atlas hôm 23/11 đưa tin. Loại sợi mới có thể chế tạo từ tinh bột thừa trong nông nghiệp.
Chất xơ khó tiêu hóa góp phần ngăn ngừa táo bón, béo phì, tiểu đường type 2 và một số bệnh tim mạch. "Giờ đây, chúng ta có thể bổ sung chất xơ vào các loại thực phẩm như bánh mì trắng mà không làm thay đổi mùi vị hay kết cấu, vốn là một trong những vấn đề chính của nhiều sản phẩm bổ sung chất xơ bán trên thị trường hiện nay", phó giáo sư Asgar Farahnaky cho biết.
FiberX không có mùi vị hay dễ nhận biết như các sản phẩm bổ sung chất xơ khác vì nó bắt nguồn từ tinh bột. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp xử lý hóa học để thay đổi cấu trúc phân tử của các thực phẩm chứa tinh bột như sắn, lúa mì, ngô, biến chúng từ thực phẩm dễ tiêu hóa khiến đường máu tăng thành dạng không tiêu hóa được, đi vào cơ thể giống như chất xơ tự nhiên và mang lại lợi ích tương tự.
Trong các thử nghiệm với bánh mì và bánh ngọt, nhóm nghiên cứu nhận thấy FiberX có thể tăng 10 - 20% chất xơ vào thực phẩm trước khi mọi người bắt đầu nhận thấy sự khác biệt. Thử nghiệm trên các loại tinh bột đã chế biến cho thấy, quá trình biến đổi hóa học có thể chuyển đổi hơn 80% tinh bột thành chất xơ.
Nhóm chuyên gia đang nghiên cứu cách đạt được kết quả tương tự bằng các phương pháp vật lý hoặc enzyme. Điều này sẽ cho phép sản phẩm dán nhãn "không chứa hóa chất" và tốt hơn cho môi trường.
FiberX không đòi hỏi tinh bột mới và vẫn dùng được cho sản phẩm khác. Nhóm chuyên gia đang hợp tác với trung tâm nghiên cứu Chống lãng phí thực phẩm (FFWCRC) nhằm sử dụng tinh bột và chất xơ phế thải làm nguyên liệu sản xuất FiberX trên quy mô lớn. "Việc mở rộng quy mô công nghệ này sẽ giúp ngành thực phẩm tiếp cận được một lượng lớn chất xơ vô hình với giá phải chăng, cung cấp thực phẩm giàu chất xơ cho người tiêu dùng", Farahnaky nói.
Thu Thảo (Theo New Atlas)