Công nghệ vẫn luôn phát triển để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Dưới đây là một số phát minh mới.
Để khắc phục tình trạng thiếu lao động do đại dịch COVID-19, tại Triển lãm công nghệ ở Tokyo (Nhật Bản) mới đây, hãng RT Technology Company của Nhật (RTC) đã trình làng một "công nhân robot" có tên Foodly có khả năng tự động làm mì hộp, thuần thục không khác gì con người.
Theo RTC, Foodly cao 1,5 m, được kết nối với hệ thống nhận dạng hình ảnh có khả năng định vị và quan sát thức ăn trước mặt. Bàn tay Foodly giống như chiếc nĩa, chuyển động nhịp nhàng và gọn ghẽ.
Foodly còn có khả năng tính toán chính xác trọng lượng mì, gắp một lần khoảng 500 g để đưa vào hộp trước khi chuyển tới khâu đóng gói tiếp theo. Dây chuyền sản xuất bằng Foodly hiện có giá khoảng 250.000 USD, rất hợp với các công ty sản xuất thực phẩm của Nhật trong bối cảnh số hóa và thiếu nhân lực hậu COVID-19.
Nhóm chuyên gia ở Đại học Bristol, Anh (UoB) do kỹ sư Alice Haynes đứng đầu vừa phát triển và trình làng 5 chiếc "gối thở" mềm ôm đầu tiên, giúp người ôm giảm stress (căng thẳng) và dễ chịu. Sở dĩ gọi là "gối thở" là vì khi ôm gối, người ta có cảm giác như đang thở, lo lắng và căng thẳng giảm dần.
Theo kỹ sư robot Alice Haynes, gối này mô phỏng cảm giác tương tác với vật nuôi hoặc người khác, giúp tái tạo và điều hòa nhịp thở, nhịp tim. Gối có vỏ ngoài bằng sợi micro mềm, nhồi polyester và có thêm túi khí ở giữa, phồng và xẹp nhịp nhàng bằng một máy bơm đặt bên ngoài mà người dùng không nghe hay nhìn thấy.
Qua thử nghiệm ở 129 tình nguyện viên cho thấy nhóm ôm gối và ngồi thiền ít lo lắng hơn so với nhóm đối chứng không làm gì. Hiện nhóm đề tài đang tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu cơ chế chính xác gối thở giúp con người bớt căng thẳng, đồng thời cải tiến hoàn chỉnh để sớm đưa ra thương phẩm.
Phương pháp mới dùng lực đẩy tĩnh điện để làm cho các hạt bụi tách ra khỏi bề mặt pin hiệu quả.
Viện Công nghệ Massachusetts Mỹ (MIT) vừa phát triển thành công phương pháp sử dụng lực đẩy tĩnh điện để vệ sinh bụi bẩn cho pin mặt trời, khắc phục được hạn chế từ việc vệ sinh pin bằng nước và chổi như hiện nay. Theo MIT, do bề mặt lớn lại tiếp xúc trực tiếp với môi trường nên pin mặt trời dễ bị bụi bẩn, làm giảm hiệu quả sinh điện. MIT ước tính, việc làm sạch pin như hiện nay phải sử dụng khoảng 10 tỷ gallon nước mỗi năm - đủ để cung cấp nước cho 2 triệu người dùng.
Phương pháp của MIT là không dùng nước, sử dụng lực đẩy tĩnh điện để làm cho các hạt bụi tách ra khỏi bề mặt pin hiệu quả. Một điện cực ở dạng thanh được dẫn qua bề mặt của pin, truyền điện tích cho các hạt bụi. Sau đó, một điện tích khác được đặt vào chính tấm pin, làm nhiệm vụ đẩy các hạt bụi ra ngoài.
Hệ thống có thể vận hành tự động nhờ một động cơ điện đơn giản, còn các thanh dẫn kim loại chạy dọc theo các mặt bên của pin. Kỹ thuật này cũng có thể áp dụng cho các tấm gương của các nhà máy nhiệt mặt.
Theo MIT, công nghệ làm sạch mới này sẽ làm giảm chi phí, nâng cao sản lượng điện và hạn chế công sức cho chủ đầu tư hay các hộ gia đình. Ngoài ra nó còn giúp ngành công nghiệp năng lượng mặt trời phát triển, lắp đặt thêm nhiều công trình, kể cả ở những nơi khan hiếm nước như ở các vùng sa mạc.
IT có khả năng trở thành đầu máy chạy bằng pin hiệu quả nhất thế giới.
Infinity train (IT) là thuật ngữ nói về loại tàu hỏa mới: "tàu vô cực". Đây là sản phẩm của Công ty Fortescue Future Industries (FFI) Australia, tàu không cần dừng lại để tiếp nhiên liệu hoặc sạc pin nên còn gọi là tàu phát thải zero (bằng 0).
Các nhà khoa học tại FFI cho hay, cơ chế hoạt động của tàu vô cực là sử dụng năng lượng hấp dẫn được tạo ra trên các đoạn đường có tải dốc của đường ray tàu hoặc đường sắt khổng lồ để sạc hệ thống pin năng lượng của tàu, loại bỏ nhu cầu sạc bổ sung khi quay lại có tải.
IT có khả năng trở thành đầu máy chạy bằng pin hiệu quả nhất thế giới, việc tái tạo điện trên các đoạn đường có tải xuống dốc sẽ loại bỏ nhu cầu lắp đặt hạ tầng cơ sở sản xuất sản sinh năng lượng tái tạo, giải pháp hiệu quả để loại bỏ dầu diesel và khí thải trong ngành đường sắt tương lai.
Viện Phân tích hệ thống ứng dụng quốc tế (IIASA) của Áo vừa phát triển thành công hệ thống có tên Electric Truck Hydropower (Thủy điện xe tải), gọi tắt là ETH, có thể ứng dụng tại các vùng núi có nhiều đường dốc chạy dọc sông suối. Theo nghiên cứu, đây là công nghệ thủy điện sáng tạo dùng cho xe tải điện, là giải pháp linh hoạt và sạch để sinh điện tại các vùng miền núi, có sẵn nguồn nước, và thay thế thủy điện trong tương lai.
Nguyên lý làm việc của ETH có thể tóm tắt như sau: Trước khi đổ đèo, người ra đổ đầy nước sông suối vào các bể lớn đặt trên xe điện (gọi là điểm sạc). Nhờ độ dốc của đường nên xe phải phanh liên tục, nước làm tăng thêm khối lượng quán tính của xe. Nhờ hệ thống phanh tái tạo, hành trình đổ đồi sẽ tạo ra điện dùng để sạc pin của xe.
Khi tới "điểm xả" ở chân đồi, nước trong bình sẽ được đổ ra, pin của xe được tháo rời để cung cấp điện cho mạng lưới ở địa phương, còn xe với bình rỗng được lắp bộ pin thay thế để sạc lại khi tới điểm sạc, bắt đầu một chu trình sản xuất điện năng mới.
Các nhà khoa học dự tính nếu ứng dụng trên quy mô toàn cầu, hệ thống ETH có thể sản xuất 1,2 petawatt giờ điện/ năm, tương đương 4% mức tiêu thụ điện của thế giới trong năm 2019.
Lợi ích của ETH là không đòi hỏi đập thủy điện, hồ chứa nước hay đường hầm, không làm gián đoạn dòng chảy tự nhiên của sông và các loại cá di cư cũng như những tác động bất lợi khác, chỉ cần những tuyến đường có sẵn, trạm sạc và xả tương tự trạm đỗ xe, bộ pin kết nối với mạng điện và xe tải.