Tầng 6 Toà nhà HYCO4, 102 Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP.HCM, Việt Nam
Hotline 0919 173 986

Năm 2016 Việt Nam chính thức có mạng 4G

09/01/2019

Ngày 26/3/2015 tại Hà Nội, Hiệp hội Internet Việt Nam đã phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG Asean tổ chức Hội thảo Quốc tế 4G LTE Tiểu vùng sông Mekong lần thứ nhất năm 2015 với Chủ đề “Quy hoạch tổng thể, tối ưu hóa cộng nghệ, đa dạng hóa dịch vụ hướng tới đồng nhất công nghệ 4G”. Đây là hội thảo quan trọng mang tính chất đặt nền móng cho việc triển khai sử dụng mạng 4G vào năm 2016 tại Việt Nam.

4G và lợi ích mang lại

Hội thảo Quốc tế 4G LTE Tiểu vùng sông Mekong lần thứ nhất năm 2015 được diễn ra với phiên báo cáo chính thức về quy hoạch tổng thể, tối ưu hóa công nghệ, đa dạng hóa dịch vụ hướng tới đồng nhất công nghệ 4G và 2 chủ đề chính là định hướng phát triển công nghệ hạ tầng, hệ sinh thái 4G và đa dạng hóa dịch vụ trên nền tảng 4G.

Từ năm 2012, công nghệ 4G trên thế giới đã có sự phát triển vượt bậc, đang từng bước thay thế công nghệ 3G. Cuối năm 2014 toàn thế giới có đến hơn 300 đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông tại hơn 100 quốc gia tham gia vào việc cung cấp dịch vụ 4G, trong đó khu vực Châu Á có 61 đơn vị thuộc 25 quốc gia. Tại khu vực Đông Nam Á, dịch vụ 4G đã được phát triển thành công ở các nước có nền công nghệ tiên tiến, hiện đại như Singapore, Malaysia, Indonesia và Brune… Theo một nghiên cứu tổng thể của Tập đoàn Công nghệ Qualcomm cho thấy, năm 2020 thế giới sẽ có khoảng 25 tỷ thiết bị kết nối internet di động. Đứng trước xu thế phát triển trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lựa chọn năm 2015 là thời điểm thích hợp để đặt nền móng cho việc triển khai công nghệ 4G tại Việt Nam.

Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: “Mạng 4G LTE đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu. Với ưu thế vượt bậc về khả năng cung cấp các dịch vụ truy nhập tốc độ cao, cùng với xu hướng dần phổ cập các thiết bị đầu cuối, có thể khẳng định mạng 4G LTE sẽ là xu hướng phát triển chủ đạo của viễn thông thế giới trong thời gian tới. Tuy nhiên, triển khai 4G tại Việt Nam sao cho hiệu quả, bền vững là một vấn đề cần được nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng. Dự kiến trong năm 2016, Việt Nam sẽ chính thức tổ chức triển khai cấp phép cho công nghệ 4G”.

Công nghệ 4G được hiểu là chuẩn tương lai của các thiết bị không dây, cho phép người sử dụng có thể truyền tải dữ liệu tốc độ cao gấp hơn 20 lần tốc độ băng thông cao nhất của dịch vụ 3G. Các chuyên gia tham luận tại hội thảo đều khẳng định, lợi ích của 4G là vô cùng lớn đối với các dịch vụ lướt web, dịch vụ trực tuyến. Công nghệ 4G có vùng phủ sóng rộng, đảm bảo cho các ứng dụng đa phương tiện hoạt động tốt khi tải dữ liệu về hoặc đưa dữ liệu lên. Bên cạnh đó, 4G LTE còn có khả năng quản lý các thiết bị di động có tốc độ di chuyển nhanh, cũng như những luồng dữ liệu đa điểm tại nhiều vị trí khác nhau.

Tại các nước phát triển hiện nay, 4G còn tạo cơ hội phát triển cho các dịch vụ ứng dụng chuyên ngành như, đào tạo trực tuyến, khám bệnh trực tuyến. Đặc biệt, loại hình công nghệ này còn được cho là vô cùng hữu ích đối với những vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo; Bởi lẽ 4G có thể cho phép dễ dàng chuyển tải, truyền các tập tin có dung lượng lớn, cung cấp video tương tác hỗ trợ hoạt động chăm sóc sức khỏe từ xa, tạo điều kiện cho các bác sĩ địa phương trong việc chuẩn đoán và chữa bệnh.

Nhiều thách thức đặt ra trong việc quản lý dịch vụ

Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là công nghệ di động thì việc quản lý trên các thiết bị di động là một việc rất khó khăn và phức tạp. Người dùng chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh là có thể truy cập vào các kho ứng dụng có sẵn để tải ứng dụng hay những trò chơi online yêu thích. Điều này đặt ra một vấn đề lớn là ngoài những thông tin và những ứng dụng bổ ích thì cũng có vô số các ứng dụng hiện nay cung cấp nội dung thông tin độc hại như: khiêu dâm, lừa đảo qua mạng, virut… Bên cạnh đó nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng cũng bị đẩy lên cao. Với tốc độ truy cập internet và các thiết bị đầu cuối di động hỗ trợ công nghệ 4G, bất kỳ ai cũng trở thành một nguồn cung cấp dữ liệu, phổ biến thông tin và tiếp thu thông tin trên mạng internet. Lợi dụng các ưu thế mà 4G mang lại, các Hacker có thể sử dụng một thiết bị cầm tay như một máy trạm để tấn công mạng và sử dụng các thiết bị di động khác có thể lây nhiễm mã độc hại để lập thành một mạng thiết bị cầm tay “ma” gây ảnh hưởng lớn đến an ninh mạng.

Xu thế triển khai công nghệ 4G trên thế giới đang phát triển rất nhanh, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Sự bùng nổ này đang đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xây dựng cơ sở pháp lý nhằm hạn chế các tiêu cực, mặt trái công nghệ, phát huy tiện ích mà công nghệ mang lại. Đây cũng là vấn đề đáng lo ngại chung của các nước sử dụng công nghệ 4G hiện nay

Thứ trưởng Lê Nam Thắng chia sẻ, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan đang trao đổi để đưa ra các chính sách quản lý Nhà nước phù hợp, bảo đảm thị trường viễn thông phát triển bền vững theo hướng chất lượng khi triển khai mạng 4G LTE trong tương lai. Mặt khác các chính sách quản lý được ban hành phải thật sự có hiệu quả và tạo điều kiện thu hút đầu tư, tao ra một môi trường đầu tư mới cho doanh nghiêp kinh doanh.

Đăng ký nhận bản tin

Công ty TNHH TM KT
Âu Châu (EUTC)

  • Tầng 6 Toà nhà HYCO4, 102 Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP.HCM, Việt Nam
  • info@eutc.com.vn
  • (0084) 28 3514 6818 ZALO: 0908.572.749 ZALO: 0919.173.986
  • Copyright © 2025 EUTC | Designed by TDT