Chính phủ Mexico tiến hành giai đoạn mới nhất của dự án gây mưa nhân tạo với hy vọng cải thiện lượng mưa giữa đợt nắng nóng lịch sử và nhiều tháng hạn hán, Guardian hôm 23/7 đưa tin. Dự án bắt đầu trong tháng 7 bao gồm bố trí máy bay bay vào những đám mây để giải phóng hạt iot bạc, giúp tạo thêm giọt nước và gia tăng lượng mưa.
Gây mưa nhân tạo nhằm "đối phó với ảnh hưởng của hạn hán ở khu vực nông thôn và góp phần lấp đầy tầng ngậm nước", theo Bộ Nông nghiệp Mexico, cơ quan thực hiện biện pháp này ít nhất mỗi năm một lần từ năm 2020. Chính phủ tuyên bố thu được thành công đáng kể, dự án có hiệu quả 98% và thậm chí giúp dập tắt cháy rừng vào năm 2021.
Tuy nhiên, các nhà vật lý đám mây hàng đầu của Mexico bày tỏ lo ngại về tính khả thi của công nghệ. "Không có bằng chứng kỹ thuật gây mưa nhân tạo giúp tăng lượng mưa ở những khu kinh tế quan trọng và cũng không thể chắc chắc về ảnh hưởng bên ngoài vùng mục tiêu", Fernando García García và Guillermo Montero Martínez, hai nhà vật lý đám mây ở Đại học tự trị quốc gia Mexico (Unam), cho biết.
Dù chính phủ Mexico khẳng định hoạt động gây mưa nhân tạo năm 2021 làm tăng 40% lượng mưa so với dự báo, các nhà khoa học cho biết dự báo lượng mưa có độ biến động cao và bằng chứng không phản ánh gây mưa nhân tạo liên quan tới lượng mưa gia tăng. Họ theo dõi nghiên cứu gây mưa nhân tạo dài nhất thế giới từ năm 1948 tới 1970 và không thể rút ra kết luận thuyết phục. Theo giới nghiên cứu, gây mưa nhân tạo chỉ nên được xem như một yếu tố trong chiến lược quản lý tài nguyên nước tổng hợp.
Nông dân ở miền bắc Mexico đang trải qua hạn hán nghiêm trọng. Đây là tháng nóng nhất trong lịch sử ở Mexico với nhiệt độ cao hơn 2,3 độ C so với mức trung bình. Nắng nóng giết chết gia súc, khiến giá thịt lợn và thịt bò tăng lên ở nhiều nơi trên đất nước. Quần thể đom đóm trong các khu rừng ẩm ướt cũng chết khô, ảnh hưởng tới du lịch. Ở biên giới giữa Mỹ và Mexico tại Mexicali, nhiệt độ ở mức 50,2 độ C, lập kỷ lục quốc gia. Ít nhất 167 người Mexico đã chết do nắng nóng. Tháng 6/2023 là tháng 6 khô nhất từ năm 1941 với lượng mưa thấp hơn 60% so với mức trung bình.
Ở cả đồng quê và thành phố, Mexico chưa chuẩn bị sẵn sàng cho những sự kiện khí hậu cực đoan, theo Luyando, giáo sư về biến đổi khí hậu và bức xạ Mặt Trời ở Unam. Các khu vực thành thị đang trở thành đảo nhiệt trong khi vùng nông thôn ngày càng biến đổi thành sa mạc bỏ hoang.
An Khang (Theo Guardian)