Tầng 6 Toà nhà HYCO4, 102 Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP.HCM, Việt Nam
Hotline 0919 173 986

Máy dò hạt ma lớn nhất thế giới của Trung Quốc sắp hoạt động

24/12/2024

Cơ sở Juno ở Quảng Đông bắt đầu đổ đầy nước siêu tinh khiết để chuẩn bị thu thập dữ liệu khoa học về loại hạt bí ẩn nhất thế giới từ tháng 8 năm sau.

Đài quan sát neutrino dưới lòng đất Giang Môn (Juno) ở tỉnh Quảng Đông. Ảnh: CGTN

Đài quan sát neutrino dưới lòng đất Giang Môn (Juno) ở tỉnh Quảng Đông. Ảnh: CGTN

Một cơ sở khoa học ở miền nam Trung Quốc được thiết kế để đo neutrino, hạt ma bí ẩn, bắt đầu đổ đầy nước siêu tinh khiết, đánh dấu cột mốc chủ chốt cuối cùng trước khi bắt đầu nghiên cứu, theo CGTN. Nước siêu tinh khiết đã lọc qua nhiều công đoạn của hệ thống lọc nước, bắt đầu đổ vào máy dò ở Đài quan sát neutrino dưới lòng đất Giang Môn (Juno) ở tỉnh Quảng Đông hôm 18/12 ở tốc độ khoảng 100 tấn mỗi giờ, theo Viện Vật lý Năng lượng cao (IHEP) thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đơn vị phụ trách dự án.

Để đo khối lượng của những loại hạt ma khác nhau tạo bởi hai nhà máy sản xuất điện hạt nhân gần đó, bộ phận chính của Juno là một máy dò hình cầu khổng lồ dưới lòng đất. Cỗ máy sẽ chứa 20.000 tấn chất phát sáng nhấp nháy dạng lỏng và treo lơ lửng giữa 35.000 tấn nước tinh khiết ở độ sâu 700 m bên dưới mặt đất.

 

Quá trình đổ chất lỏng sẽ được tiến hành theo hai giai đoạn và mất 8 tháng, theo IHEP. Trong hai tháng đầu tiên, nước siêu tinh khiết sẽ được đổ vào cả bên trong và bên ngoài khối cầu khổng lồ. Trong 6 tháng tiếp theo, nước siêu tinh khiết bên trong khối cầu sẽ được thay thế bằng chất phát sáng nhấp nháy lỏng.

Hạt ma, hạt nhỏ và nhẹ nhất trong số 12 hạt cơ bản cấu thành thế giới vật chất, rất khó phát hiện do không có điện tích, khối lượng cực nhỏ và di chuyển gần bằng vận tốc ánh sáng. Dù phần lớn hạt sẽ truyền qua chất lỏng dò tìm mà không để lại dấu vết, một số sẽ tương tác với chất lỏng, kích hoạt hai chớp sáng có thể ghi lại bằng hàng nghìn ống quang nhạy sáng.

Hồi tháng 10, máy dò hình cầu đường kính khoảng 35 m và đỡ bởi cấu trúc thép không gỉ đường kính 41,1 m, được lắp đặt hoàn chỉnh. Các công nhân tiến hành công đoạn lắp ráp lớp vỏ kim loại bên ngoài và ống quang. Sau khi đổ đầy nước, cơ sở sẽ bắt đầu thu thập dữ liệu khoa học từ tháng 8 năm sau. Juno sẽ trở thành máy dò neutrino thế hệ mới đầu tiên trên thế giới đi vào hoạt động, trước hai cơ sở quốc tế khác là Thí nghiệm neutrino dưới lòng đất sâu ở Mỹ và đài quan sát Hyper-Kamiokande ở Nhật Bản, cả hai được lên lịch hoạt động năm 2027 - 2028.

Dự án 376 triệu USD ở Trung Quốc là kết quả cộng tác của 750 nhà nghiên cứu đến từ 74 viện tại 17 nước và khu vực.

An Khang (Theo CGTN)

Đăng ký nhận bản tin

Công ty TNHH TM KT
Âu Châu (EUTC)

  • Tầng 6 Toà nhà HYCO4, 102 Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP.HCM, Việt Nam
  • info@eutc.com.vn
  • (0084) 28 3514 6818 ZALO: 0908.572.749 ZALO: 0919.173.986
  • Copyright © 2025 EUTC | Designed by TDT