Vật liệu thử nghiệm đang được phát triển tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau. Tương tự sản xuất xà phòng, quá trình sản xuất giấy bắt đầu bằng việc sử dụng kali hydroxide để loại bỏ vỏ ngoài của hạt phấn hoa hướng dương. Chất mềm bên trong hạt giống tạo thành một loại gel. Các nhà nghiên cứu tinh lọc loại gel này bằng nước khử ion, sau đó đổ vào khuôn phẳng và sấy khô. Sau khi gel khô thành lớp dày 0,03 mm, họ xử lý thành phẩm với axit acitic để vật liệu không bị ảnh hưởng bởi độ ẩm.
Kết quả nhóm nghiên cứu thu được là một loại giấy mềm nhẹ và trong suốt hơn giấy làm từ bột giấy truyền thống, nhưng vẫn có thể đưa vào máy in laser và in với hộp mực thông thường. Chữ và ảnh vẫn lưu trên giấy ngay cả khi dùng băng dính dán lên mặt giấy và lột ra, hoặc khi ngâm giấy trong nước.
Tuy nhiên, nếu ngâm giấy trong dung dịch kiềm và chà nhẹ trong 2 phút, chất gel sẽ phồng lên, khiến lớp mực in phân rã và tan ra. Lúc này, tờ giấy trắng sẽ được ngâm trong ethanol khoảng 5 phút để chất gel trở về trạng thái trước đấy. Sau đó, giấy được sấy khô và tái xử lý bằng axit acetic. Cuối cùng, vật liệu có thể sẵn sàng để in lần nữa mà không ảnh hưởng tới độ dai hoặc chất lượng của hình in. Toàn bộ quá trình trên có thể lặp lại 8 lần với mỗi tờ giấy.
Theo nhóm nghiên cứu, một lợi thế khác của loại giấy mới là trong khi sản xuất giấy truyền thống đòi hỏi đốn nhiều gỗ, phấn mà họ sử dụng có thể thu thập liên tục từ những cánh đồng hoa hướng dương. Phấn từ các loại cây như hoa trà và hoa sen cũng có thể sử dụng thay thế hoặc kết hợp với phấn hoa hướng dương. Nhóm nghiên cứu đứng đầu là giáo sư Subra Suresh và Cho Nam-Joon mô tả chi tiết sản phẩm trên tạp chí Advanced Materials.
An Khang (Theo New Atlas)