Hiện nay, nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Ấn Độ đã ứng dụng các giải pháp công nghệ cao vào lĩnh vực xử lý nước thải. Trong đó, bồn tự hoại là một trong những giải pháp xanh, có thể khắc phục nhiều nhược điểm của bể phốt bê tông truyền thống. Sản phẩm này cũng đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2016, không chỉ phục vụ hộ gia đình mà còn được lắp đặt tại các khu công nghiệp, nhà máy hay các khu đông dân cư.
Bên cạnh ưu điểm sử dụng chất liệu nhựa nguyên sinh cao cấp (LLDPE), đúc liền khối, bồn tự hoại còn có chức năng lọc thô các chất thải nhờ hệ thống hàng trăm quả cầu nhựa bên trong. Tại đây, các loại vi sinh kỵ khí sẽ bám trụ, sinh sôi và xử lý các chất thải hữu cơ trước khi thải ra môi trường. Vì vậy, nước thải ra đạt tiêu chuẩn B, đủ tiêu chuẩn xả thải ra môi trường.
Sản phẩm còn cơ động, dễ dàng lắp đặt và vận chuyển ở các địa hình khác nhau như trong nhà hay ngoài vườn với chi phí hợp lý. Tuổi thọ của bồn tự hoại, theo nhiều nghiên cứu, có thể lên đến hơn 50 năm, chịu được các tạp chất hóa học và hạn chế nứt vỡ hay rò rỉ chất thải.
Để giải quyết ô nhiễm nguồn nước, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến để xử lý nước thải trước khi ra môi trường. Năm 2020, công nghệ này cũng được ứng dụng tại Việt Nam. Hiện huyện Đông Anh (Hà Nội) là địa phương đầu tiên trên cả nước chạy thử nghiệm công nghệ xử lý nước thải áp dụng công nghệ Jokaso Nhật Bản và GJ-R Hàn Quốc. Với công nghệ hiện có, chủ đầu tư công trình này khẳng định "không khó để có được giải pháp giải quyết ô nhiễm sông Tô Lịch".
Theo Unicef, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam đang đứng top 5, sau Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Thái Lan - những nước có lượng rác thải đổ trực tiếp ra môi trường nhiều nhất thế giới hiện nay. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM... do tốc độ đô thị hóa quá nhanh và mật độ dân số đông đúc.
Thế Đan