Để giữ rau được tươi trong kho, người dân thường sử dụng điều hòa nhưng bị giới hạn về nhiệt độ vì không thể xuống dưới 15 độ C, trong khi một số loại rau cần bảo quản dưới 5 độ C như súp lơ, rau mầm. Có hộ dân xử lý điện bằng cách bỏ phần điều khiển để nhiệt độ xuống thấp hơn, tuy nhiên cách này không an toàn và độ bền khi cuộn dây làm lạnh trong máy điều hòa hoạt động quá công suất mọi lúc.
Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia (Aus4Innovaiton – A4I) và Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện dự án ứng dụng công nghệ CoolBot từ Australia cho kho lạnh, giải quyết vấn đề ứ đọng rau củ sau thu hoạch cho nông dân. Tham gia giai đoạn đầu, người dân được hỗ trợ 90% kinh phí lắp đặt và hướng dẫn vận hành thiết bị.
Chị Cao Hồng Luyến, đại diện công ty Freshstudio, một trong ba đơn vị thực hiện dự án cho biết, thiết bị gồm các cảm ứng và bộ điều khiển vi mô được đấu nối với điều hòa trong phòng cách nhiệt. Thiết bị được lập trình để điều khiển điều hòa hoạt động ở mức 5 độ C hoặc thấp hơn mà không bị đóng băng.
Tùy từng loại rau, thời gian lưu trữ và mục đích người sử dụng thiết bị được cài đặt ở nhiệt độ tương ứng. Khi hoạt động, nếu điều hòa đạt đến mức độ mong muốn, thiết bị Coolbot tự động tắt máy nén, giúp tiết kiệm điện và chi phí hơn.
Là đơn vị tham gia dự án, anh Vì Văn Tùng (37 tuổi) ở Sơn La cho biết, hàng ngày hợp tác xã của anh cung cấp một tạ rau sạch cho siêu thị. Vì là rau hữu cơ nên không phun thuốc bảo quản và phải vận chuyển trong ngày để đảm bảo độ tươi. Tuy nhiên, anh không lo lắng việc bảo quản bởi từ tháng 11/2020 hợp tác xã anh được ứng dụng công nghệ CoolBot từ Australia cho kho lạnh.
Sử dụng nhà lạnh có thiết bị Coolbot cho dâu tây và một số loại rau trong hợp tác xã hơn một tháng, anh Tùng cho biết, dù là công nghệ mới nhưng người dân đều có thể tiếp cận, chi phí đầu tư công nghệ hợp lý. Ngoài nhà lạnh, anh Tùng lắp thêm thiết bị này trong xe tải có sẵn để xe có thể đảm bảo nhiệt độ trong quá trình vận chuyển.
Công nghệ này lần đầu tiên được đưa vào Việt Nam, ứng dụng cho các hộ nông dân nên bước đầu gặp khó khăn trong việc chuyển giao. Chị Luyến kể, giai đoạn đầu lắp đặt thực tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19, rau không bán được, đơn hàng bị ngắt gần một tháng, khiến tinh thần tiếp cận công nghệ của người dân giảm xuống. Dù được hỗ trợ kinh phí nhưng cán bộ dự án vẫn phải động viên, thuyết phục người dân tham gia.
Chị Luyến cho biết, dự án tiếp tục triển khai giai đoạn hai từ ngày 20/5 để đưa công nghệ này tới nhiều hộ dân trồng rau quả vùng Mộc Châu, Vân Hồ, với mức hỗ trợ 70%. Ngoài dự trữ rau quả, công nghệ này cũng có thể áp dụng cho các hầm rượu.