"GRB 221009A, GRB mang năng lượng cao nhất mà nhân loại từng ghi nhận, tác động sâu sắc tới tầng điện ly lần đầu tiên", Newsweek hôm 14/10 dẫn lời Mirko Piersanti, nhà nghiên cứu thời tiết vũ trụ ở Đại học L'Aquila của Italy. "Dòng photon của nó đạt đỉnh ở mức 6 triệu hạt/giây (kỷ lục trước đó là 500.000 photon/giây) có thể ion hóa toàn bộ tầng điện ly, tạo ra dòng điện dữ dội có thể quan sát thông qua đo trường điện ở quỹ đạo thấp của Trái Đất".
Chớp tia gamma mang tên GRB 221009A gây ra nhiều biến động khổng lồ trong trường điện của tầng điện ly Trái Đất ở độ cao khoảng 498 km, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Communications. GRB xuất hiện hôm 9/10/2022 ở chòm sao Sagitta và kéo dài khoảng 7 phút. Nó có nguồn gốc từ 2 tỷ năm trước, có thể do một ngôi sao lớn trải qua vụ nổ siêu tân tinh hoặc hình thành hố đen. Sau khi di chuyển hàng tỷ năm ánh sáng, GRB này vẫn đủ mạnh để gây ra biến động kỳ lạ ở tầng điện ly của Trái Đất, lớp khí quyển ở độ cao 60 - 306 km chứa đầy ion tích điện. Theo Piersanti, nó làm xáo trộn phần dưới tầng điện ly (độ cao 80 - 120 km) suốt vài giờ. Trên thực tế, tương tự GRB năng lượng cao trước đó, nó gây rối loạn liên lạc vô tuyến sóng dài trên Trái Đất.
Chớp tia gamma là luồng năng lượng mạnh nhất trong vũ trụ, phun ra từ những vụ nổ dữ dội nhất như va chạm sao neutron. Các xung ánh sáng cực mạnh này thường đến dưới dạng hai chùm ngược nhau, giống như ánh sáng đèn hải đăng.
Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu, một số giả thuyết suy đoán GRB có thể xóa sổ tất cả sự sống ở thiên hà gốc và mọi thứ bị chùm tia quét qua sẽ bốc hơi trong 200 năm ánh sáng. Tuy nhiên, giới nghiên cứu vẫn chưa biết rõ tác động thực sự của GRB. Theo Piersanti, trong trường hợp tồi tệ nhất, chớp tia gamma không chỉ ảnh hưởng tới tầng điện ly mà còn phá hủy tầng ozone, tạo điều kiện cho bức xạ cực tím từ Mặt Trời truyền tới bề mặt Trái Đất. Đó có thể là nguyên nhân dẫn tới một số sự kiện tuyệt chủng hàng loạt từng xảy ra trên Trái Đất trong quá khứ.
An Khang (Theo Newsweek)