Lấy cảm hứng từ cánh bướm, các nhà nghiên cứu từ Đại học Central Florida, Mỹ (UCF) đã chế tạo thành công một loại sơn đặc biệt, tạm gọi là sơn plasmon.
Được biết, đây là loại sơn đầu tiên trên thế giới thân thiện với môi trường và có khả năng tiết kiệm điện. Thay vì màu dựa trên sắc tố, đòi hỏi các phân tử được tổng hợp nhân tạo, UCF đã phát triển một phương pháp mới thay thế để sản xuất sơn màu tự nhiên.
Để làm được sản phẩm này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng sự sắp xếp cấu trúc ở cấp độ nano của các vật liệu không màu, gồm nhôm và oxit nhôm thay cho các sắc tố tạo màu cơ bản.
"Với sắc tố nhân tạo, các phân tử mới có thể đáp ứng cho mọi màu hiện có của sơn. Cùng với đó là thỏa mãn nhiều tiêu chí, bao gồm khả năng tiết kiệm điện và giúp giảm sự nóng lên toàn cầu", GS. Debashis Chanda, chủ nhiệm nghiên cứu cho biết.
Theo chia sẻ, sở dĩ sơn plasmon thân thiện với môi trường vì chúng chỉ sử dụng kim loại và oxit, không giống như các phân tử được tổng hợp nhân tạo đối với sơn thông thường.
Ngoài ra, do lớp bề mặt sơn phản xạ toàn bộ quang phổ hồng ngoại, nên nó hấp thụ ít nhiệt hơn, giúp bề mặt bên dưới mát hơn khoảng 1 độ C so với khi được phủ bằng sơn thương mại tiêu chuẩn.
Theo báo cáo, mức chênh lệch nhiệt độ này hứa hẹn sẽ đem lại khả năng tiết kiệm điện đáng kể, đồng thời giảm lượng khí thải carbon dioxide, góp phần chống biến đổi khí hậu. Hơn nữa, loại sơn plasmon rất nhẹ do có hệ số tiết diện/độ dày lớn.
Theo tính toán, sẽ chỉ cần chưa đầy 1,5 kg loại sơn đặc biệt này để có thể phủ kín một chiếc máy bay Boeing 747. Trong khi nếu sử dụng loại sơn thông thường, sẽ cần ít nhất là 454 kg.
Theo Dân Trí