Tầng 6 Toà nhà HYCO4, 102 Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP.HCM, Việt Nam
Hotline 0919 173 986

Australia muốn đưa công nghệ tái chế pin mặt trời vào Việt Nam

20/09/2022

Công nghệ tái chế pin mặt trời được doanh nghiệp Australia giới thiệu cho phép phân tách, thu hồi nhôm, bạc và theo dõi vòng đời của pin trên máy tính.

Thông tin được chia sẻ tại diễn đàn hợp tác công nghệ và thương mại Việt Nam - Australia tổ chức tại TP HCM sáng 16/6.

Ông Clive Fleming, Giám đốc Reclaim PV cho biết, trong 5 năm qua đã nghiên cứu sự phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Theo nghiên cứu, Việt Nam hiện có hơn 160 dự án điện mặt trời, với 14 triệu tấm pin - đây là một số lượng rất lớn. Tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, tấm pin này phải thải bỏ và cần được tái chế.

Ông Clive Fleming cho rằng, với 14 triệu tấm pin mặt trời có thể cho ra hơn 120 tấn bạc, 850 tấn kính và hàng nghìn tấn nhôm. Công ty Reclaim PV có công nghệ để phân tách và tái chế cũng như hệ thống quản lý trên máy tính để theo dõi thời hạn sử dụng của những tấm pin mặt trời này. "Với việc phát triển mạnh mẽ về pin mặt trời tại Việt Nam chúng tôi sẵn sàng cung cấp, chuyển giao công nghệ tái chế pin mặt trời và kéo dài tuổi thọ của tấm pin cho các đơn vị tại Việt Nam", ông nói.

Lắp đặt điện mặt trời áp mái. Ảnh: Thanh Anh (VGP)

Lắp đặt điện mặt trời áp mái. Ảnh: Thanh Anh (VGP)

Ngoài pin mặt trời, công nghệ xử lý nước sạch cũng được doanh nghiệp Australia quan tâm chuyển giao. Trong số đó, công ty Infinite Water (Australia) thông qua dự án Aus4Innovation đã lắp đặt hàng nghìn hệ thống lọc nước cho các hộ dân sống dọc sông Hồng (Hà Nội) có nước sạch, cuối năm 2019.

Ngoài ra, trường tiểu học Tiền Phong (huyện Thường Tín) cũng được cung cấp hệ thống xử lý nước sử dụng công nghệ IoT hoàn toàn tự động giúp hơn 1.000 học sinh có nước sạch. Giải pháp của đơn vị này nhằm hỗ trợ người dân có nước sạch khi nhiều năm qua phải dùng nước nhiễm asen, ảnh hưởng sức khỏe.

Hệ thống nước trong thùng container của Infinite Water (Úc) lắp đặt tại trường tiểu học Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội thông qua dự án Aus4Innovation. Ảnh: IW

Hệ thống nước trong thùng container của Infinite Water (Australia) lắp đặt tại trường tiểu học Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội thông qua dự án Aus4Innovation. Ảnh: IW

Đánh giá cao hợp tác Việt Nam và Australia, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, thời gian gần đây hoạt động về khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế giữa hai quốc gia được đẩy mạnh. Ngoài hợp tác kinh doanh, hai bên đã xây dựng chương trình Aus4Innovation nhằm thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam, cũng như tìm kiếm quan hệ hợp tác giữa viện trường, doanh nghiệp hai nước, chuyển giao công nghệ tốt nhất từ Australia sang Việt Nam.

"Thời gian tới chương trình Aus4Innovation tiếp tục giai đoạn hai, tập trung vào công nghệ chuyển đổi số, nông nghiệp... Chúng tôi mong muốn có nhiều hơn nữa các viện trường của Australia hợp tác với Việt Nam về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế xã hội của hai quốc gia", ông Duy nói.

Diễn đàn hợp tác công nghệ và thương mại Việt - Australia do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Công nghệ Sydney, Đại học Bách khoa TP HCM và Saigon Innovation Hub phối hợp tổ chức. Hoạt động nhằm hỗ trợ viện trường, doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác, chuyển giao giải pháp, công nghệ trong lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng chuyển đổi số.

Hà An

Đăng ký nhận bản tin

Công ty TNHH TM KT
Âu Châu (EUTC)

  • Tầng 6 Toà nhà HYCO4, 102 Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP.HCM, Việt Nam
  • info@eutc.com.vn
  • (0084) 28 3514 6818 ZALO: 0908.572.749 ZALO: 0919.173.986
  • Copyright © 2024 EUTC | Designed by TDT